Bánh Đa Vừng Khánh Thiện

Cung cấp bởi: Cơ Sở Sản Xuất Nguyễn Văn Goòng
Giá niêm yết: Liên hệ

 

Những món ăn truyền thống của làng nghề ẩm thực Phong an có từ lâu đời, được người dân nơi đây lưu giữ và truyền đến ngày nay. Lâu đời nhất trong làng là nghề làm bánh đa quạt. Bánh đa vừng là sản phẩm của làng Phong An xã Khánh Thiện huyện Yên Khánh.

Làng Phong An được lập nên từ thế kỷ thứ XV, dân làng sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp. Trong thời kỳ phong kiến dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng một số gia đình trong làng đã mở nghề bánh đa quạt để bán ở các chợ quê trong huyện. Vì không ghi chép lại nên không ai biết người đầu tiên đưa nghề bánh đa vừng về làng là ai. Theo cụ Nguyễn Văn Đông, năm nay đã hơn 96 tuổi, thì nghề làm bánh đa ở làng Phong An có từ trên một trăm năm nay và lúc thịnh hành có khoảng 45 gia đình làm nghề. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, để giành sức người, sức của phục vụ cho chiến trường miền Nam, thực hiện chính sách tiết kiệm của Nhà nước, nghề làm bánh đa bị gián đoạn. Từ sau giải phóng miền Nam, một số hộ dân trong làng đã khôi phục lại nghề nhưng không còn đông như trước. Hiện nay ở làng có 7 gia đình thường xuyên làm nghề bánh đa vừng Khánh Thiện, giải quyết việc làm cho khoảng 55 lao động với thu nhập bình quân trên 4- 5 triệu đồng/người/tháng. 

Nguyên liệu làm bánh đa gồm gạo, vừng và muối. Bánh đa được làm thành 2 loại, bánh đa thường (trắng) và bánh đa gấc. Nếu làm bánh đa gấc, khi không phải mùa, gấc chín thu hoạch về người ta lấy ruột gấc trộn với muối đem ủ để làm nguyên liệu cho cả năm. Gạo làm bánh phải chọn gạo ngon, không dẻo, được sát trắng; vừng dùng loại mẩy, sát thật sạch và muối là loại muối hạt. Gạo được ngâm khoảng 2 tiếng, ngâm xong vo thật sạch, rồi đưa vào xay bột, nếu là làm bánh đa gấc thì trộn gấc vào gạo trước khi xay thành bột, xay xong phải tráng luôn nếu để lâu bột sẽ chua, chất lượng bánh sẽ không ngon. Khi tráng bánh, các nguyên liệu vừng, muối phải được trộn theo tỷ lệ vừa phải. Bánh đa vừng phải tráng 2 lượt, khi tráng bánh xong đến đâu phải được phơi khô ngay đến đấy. Khi phơi bánh đến độ khô vừa phải thì thu và đóng gói bảo quản, không phơi quá khô vì bánh sẽ giảm chất lượng và dễ bị vỡ, nếu phơi còn ẩm thì khi quạt bánh sẽ bị quánh và dai. Nướng bánh phải nướng bằng than củi, trong quá trình nướng phải thường xuyên lật bánh đều tay để bánh chín đều. Bánh đa vừng khi nướng chín nên ăn ngay sẽ thơm ngon, giòn và xốp, ăn kèm với lạc luộc, lạc rang, dừa… rất ngon, ngậy, là món quà quê dễ ăn, rẻ tiền.

Bánh đa vừng Khánh Thiện được làm theo quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm và trở thành những món ăn ẩm thực không thể thiếu khi về với vùng quê Khánh Thiện.


Nhận xét của người sử dụng

Thông tin công ty
Tên công ty:Cơ Sở Sản Xuất Nguyễn Văn Goòng
Địa chỉ:Xã Khánh Thiện, Huyện Yên Khánh, Tỉnh Ninh Bình
Điện thoại:0942728062
Lĩnh vực:
Website:

Sản phẩm cùng công ty

Bánh Mật