Lừa người tiêu dùng qua mã vạch truy xuất sản phẩm

Tin tức Đăng ngày 29/05/2021 597 lượt xem

Đối với hàng nhập khẩu, người tiêu dùng cần lưu ý sản phẩm phải có dán nhãn phụ tiếng Việt đính kèm, có tem xác thực chống hàng giả.

Trước “ma trận” hàng thật hàng giả lẫn lộn, bát nháo trên thị trường, để tạo lòng tin người tiêu dùng (NTD), các đối tượng đã chuyển hướng sang một thủ đoạn lừa đảo khác khá tinh vi là quảng cáo sản phẩm đang bán có mã vạch, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Và điều hấp dẫn NTD, mặc dù là “hàng chính hãng”, nhưng vì một lý do nào đó hàng bán không kịp, để đẩy mạnh lượng hàng tồn, các đối tượng đã giảm giá bán rẻ hơn rất nhiều lần so với giá gốc.

Tại trang “nước hoa chính hãng” được quảng cáo trên mạng xã hội, “sô” ra tại phòng giới thiệu sản phẩm là hàng chục thùng carton đựng nước hoa đều bị ngấm nước ướt sũng. Chủ kinh doanh moi từ những thùng hàng này ra hàng trăm chai nước hoa và than vãn: “Hàng nhập khẩu chính hãng, nhưng do quá trình hàng vận chuyển từ nước ngoài về, bảo quản không kỹ nên bị ướt, shop phải bán đổ, bán tháo để vớt vát lại vốn được chút nào hay chút đó. Bình thường, chai nước hoa này giá mấy triệu, nhưng riêng hôm nay phải xả hết lô hàng này nên tụi em chỉ bán 198.000 đồng/sản phẩm”.

Để chứng minh cho NTD thấy, người bán sử dụng điện thoại di động đưa lên chai nước hoa hiệu Coco Chanel để check mã vạch in trên sản phẩm, thông tin hiện lên trên màn hình điện thoại sản phẩm có xuất xứ Pháp, giá bán 3,7 triệu đồng/chai. “Đây là hàng chính hãng, nên mới quét được mã vạch, còn hàng giả thì không quét được”, người bán khẳng định.

Có sạp kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm ngoại nhập tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chị T giới thiệu cho chúng tôi một số loại nước hoa ngoại nhập nhưng có giá rất rẻ, không quá 150.000 đồng/chai. Chúng tôi cũng check thử mã vạch in trên sản phẩm thì khá bất ngờ: Chai nước hoa hiệu Acquadi Gio có giá 1,5 triệu đồng, chai hiệu Gucci giá gần 1,9 triệu đồng… không có chai nước hoa nào giá dưới 1 triệu đồng.

Chị T giải thích, chỉ những người sành mua hàng thì mới biết check mã vạch sản phẩm. Nếu là hàng thật thì khi check ra, các thông tin về sản phẩm như công ty sản xuất, địa chỉ, số điện thoại, xuất xứ, giá cả... đều thể hiện rõ ràng. Còn nếu là hàng giả, thì không có mã vạch, nếu có thì check cũng không ra thông tin nào của sản phẩm.

“Do trước đây chị nhập hàng xách tay về bán. Nhưng giữa tháng 10/2020, có quy định mới là cấm bán hàng xách tay không có hóa đơn chứng từ, trong khi chị nhập hàng về số lượng nhiều để bán Tết. Bị kiểm tra gắt quá nên hàng ra không được, nên giờ phải bán giá rẻ. Giá trên là giá bán lẻ, nếu lấy số lượng nhiều giá sỉ chưa tới 100.000 đồng/chai”, chị T chia sẻ.


Lực lượng QLTT kiểm tra hàng giả, kém chất lượng tại cửa hàng kinh doanh.

Theo ghi nhận, tại các chợ, cửa hàng kinh doanh… các mặt hàng nước hoa, mỹ phẩm, hóa phẩm, dầu gió xanh Con Ó… mặt hàng nào cũng đều có mã vạch được in trên sản phẩm. Tuy nhiên, cùng một loại sản phẩm có cùng thương hiệu, nhưng mỗi nơi bán mỗi giá khác nhau. Thậm chí có nơi bán thấp hơn hàng chục lần so với giá gốc khi truy xuất mã vạch sản phẩm.

Thực tế, trong thời gian qua tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường và công nghệ làm hàng giả của các đối tượng khá tinh vi, nếu bằng mắt thường thì NTD rất khó phân biệt đâu là hàng thật - hàng giả. Chính vì vậy, mã vạch như là một công cụ đáng tin cậy đối với NTD vì ở đó chứa đựng tất cả các thông tin liên quan đến sản phẩm. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc một công ty công nghệ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho rằng, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm không liên quan gì đến việc phân biệt hàng thật hay hàng giả và phần lớn NTD đang nhầm lẫn vấn đề này.

Thực tế hiện nay, mã vạch đang bị làm giả rất nhiều. Mã vạch giả trên thị trường hiện nay được các đối tượng làm khá tinh vi, rất khó phân biệt qua những cách thông thường. Để check được hàng thật, hàng giả thì phải kết hợp với một thuật toán giải mã do nhà cung cấp giải pháp chống hàng giả phát hành.

Bà Nguyễn Hoàng Oanh, chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cho rằng, hơn 90% NTD khi đến cửa hàng mua sản phẩm đều yêu cầu phải truy xuất được mã vạch mới tin đó là hàng chính hãng. Nhưng thực tế, đơn vị sản xuất sản phẩm độc lập, đơn vị tạo ra phần mềm ứng dụng để check mã vạch cũng độc lập nên mức độ tin cậy của các phần mềm nhận diện đó cũng chưa thật sự tuyệt đối.

“Ví dụ chúng tôi lấy 2 sản phẩm cùng hiệu, nhưng một sản phẩm là hàng thật, một sản phẩm là hàng giả để phần mềm quyét mã vạch nhận diện. Tuy nhiên, kết quả lại ra giống nhau. Điều đó cho thấy, phần mềm quét mã vạch cũng không thể nhận diện được hàng thật, hàng giả”, bà Oanh nói.

Đại diện ứng dụng quyét mã vạch Icheck khẳng định: Mã vạch chỉ là một nơi để truy xuất về thông tin sản phẩm đó, nó không có ý nghĩa cho việc phân biệt được đây là sản phẩm thật, hay sản phẩm giả.

Việc nhận diện hàng thật, hàng giả của NTD cũng hết sức khó khăn. Theo Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, để bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa của mình, cũng như bảo vệ NTD tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, nhà sản xuất nên áp dụng cho mình một giải pháp chống hàng giả hiệu quả. Đối với hàng nhập khẩu, NTD cần lưu ý sản phẩm phải có dán nhãn phụ tiếng Việt đính kèm, có tem xác thực chống hàng giả.

Theo Công an Nhân dân

Nhiều người xem