Đề phòng hàng giả và nâng giá trong dịch Covid-19

Tin tức Đăng ngày 11/08/2021 344 lượt xem

Tại buổi họp báo ngày 10/8 về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, báo chí đặt ra câu hỏi về công tác kiểm tra, giám sát hàng giả, hàng kém chất lượng, việc nâng giá bán hàng trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh cho biết, khi áp dụng giãn cách, ngành Công Thương đã phối hợp để kiểm soát chặt chẽ hoạt động liên quan đến hàng hóa thiết yếu. Trong đó chủ yếu là lương thực thực phẩm, nên các hàng hóa khác rất ít có giao dịch trên thị trường.

Cho tới hôm nay, việc lưu thông hàng hóa chủ yếu vận chuyển phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Còn đối với việc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng chỉ xoay quanh các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu.

Phó Giám đốc sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho hay, các hoạt động bán hàng online trong thời điểm này chủ yếu thông qua các doanh nghiệp thương mại điện tử.

“Họ đầu tư rất bài bản, có quy trình kiểm soát chặt chẽ đầu vào từ nguồn gốc, giấy chứng nhận, vừa thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, vừa bảo vệ thương hiệu của họ. Do đó tình trạng lợi dụng để kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các đơn vị này là “rất khó” xảy ra”, ông Phương nhận định.

Bên cạnh đó còn có hoạt động bán hàng của cá nhân thông qua mạng xã hội như facebook, zalo… Các đơn vị nghiệp vụ của sở theo dõi và thấy rằng, các cá nhân chủ yếu bán lương thực thực phẩm là chính.

Để công tác kiểm tra kiểm soát hàng hóa được đảm bảo, bên cạnh việc chỉ đạo của bộ Công Thương, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã giao cho cục Quản lý thị trường TP kiểm tra kiểm soát việc nâng giá, bán phá giá… liên quan đến mặt hàng trang thiết bị y tế, khẩu trang N95, đồ bảo hộ y tế cao cấp, oxy, màng lọc…

Đối với những mặt hàng này, các đơn vị sản xuất “3 tại chỗ” gặp khó khăn nên có lúc bị giảm lượng cung ứng, dẫn đến giá cả có chiều hướng tăng.

Việc lợi dụng tình hình để tăng giá các mặt hàng này trong thời gian qua đã được cơ quan quản lý thị trường tập trung kiểm soát, xử lý.

Bên cạnh đó, Thanh tra sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh đã phối hợp với chính quyền địa phương liên tục theo dõi sát tình hình thị trường, cung ứng hàng hóa và khi có thông tin sẽ phối hợp với cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh để xử lý.

Tiêu dùng & Dư luận - Đề phòng hàng giả và nâng giá trong dịch Covid-19, sở Công Thương TP.HCM nói gì?
Phó Giám đốc sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương.

Lãnh đạo sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh thông tin thêm, để hỗ trợ người dân trong các khu phong tỏa  tiếp cận nguồn hàng lương thực thực phẩm thiết yếu được thuận lợi, bên cạnh việc tổ chức phát phiếu mua hàng cho người dân, sở liên tục triển khai các giải pháp tăng cường các điểm bán.

Trong đó có việc mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống, các điểm bán của chợ, các hoạt động bán hàng lưu động.

Tại địa phương, tổ chức các giải pháp hỗ trợ cho người dân như đi chợ thay để giúp người dân hạn chế ra khỏi nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài.

Sở phối hợp với các đơn vị tổ chức siêu thị mini, chợ nghĩa tình, chủ yếu phát phiếu cho người dân mua hàng hóa tại các khu phong tỏa. Hình thức tổ chức phiên chợ với 70 mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu.

Mô hình đó đã hỗ trợ được 6.035 hộ dân tương đương với 24.140 nhân khẩu tại các khu phong tỏa, tiếp cận được 9.103 đơn hàng với tổng giá trị 2,7 tỷ đồng.

“Hiện nay, tồn kho của phiên chợ nghĩa tình còn 836,8 triệu đồng, tương đương với 2.938 đơn hàng, chúng tôi vẫn đang tiếp nhận tài trợ của các đơn vị để tiếp tục tổ chức mô hình này”, ông Phương nói.

Để nguồn hàng hóa cung ứng trong các khu vực phong tỏa được nhiều hơn, sở Công Thương đã làm việc với hội Phụ nữ và đưa ra giải pháp.

Thay vì đi chợ thay như trước đây, tổ công tác sẽ tăng cường làm việc với các địa phương, tỉnh thành tổ chức lựa chọn mặt hàng mà các địa phương dư thừa thành các gói hàng hóa của các địa phương, chở thẳng tới các khu phong tỏa.

Hội Phụ nữ hỗ trợ phân phối tới người dân thì sẽ nhiều hơn, nhanh hơn, đảm bảo an toàn hơn. Giải pháp này hiệu quả hơn và đáp ứng được nhu cầu của người dân thành phố.

Do các giải pháp tăng cường việc giãn cách, thực hiện Chỉ thị 16 và quy định không ra khỏi nhà từ 18h đến 6h sáng hôm sau nên việc phân phối, cung ứng hàng hóa của các hệ thống phân phối hiện nay sẽ phải thực hiện từ 6h sáng cho đến 18h hàng ngày.

Thời gian bán hàng tại các hệ thống thường từ 7h-7h30 đến 16h-16h30 để cho đội ngũ nhân viên của các hệ thống tổ chức được nguồn hàng, có thời gian sắp xếp hàng hóa và đi về trước khi lệnh 18h đóng cửa.

Để thời gian này được kéo dài, sở Công Thương TP cũng đã làm việc với các hệ thống phân phối, đặc biệt là các doanh nghiệp bình ổn thị trường, tính toán thống kê được lượng nhân viên cần thiết phải đi sớm hơn và về trễ hơn để có bước chuẩn bị cho việc mở cửa cung ứng hàng hóa được sớm hơn, kéo dài hơn.

Sở cũng đã lập danh sách và công khai trên website cơ quan để các đơn vị có thể đối chiếu kiểm tra, cũng như có xác nhận theo các đơn vị đúng với chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức cho nhân viên đi làm việc theo giờ.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê đánh giá cao việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền tải tới các quận huyện để từ đó thông tin đến người dân. “Hơn một tuần trở lại đây, các mặt hàng đã có sự phong phú hơn, dồi dào hơn. Tuy nhiên, người dân cũng phản ánh về việc kiểm soát giá cả. Vì còn có nơi, có chỗ hay có cửa hàng khiến người dân còn băn khoăn về giá bán hàng”, ông Khuê phát biểu.

Nhiều người xem