Lịch sử ra đời của mã QR (QR code)

Kiến thức Đăng ngày 01/08/2020 1596 lượt xem

NGUỒN GỐC

Masahiro Hara không phải là người đầu tiên tìm cách cải tiến mã vạch (barcode), nhưng chỉ có mã ma trận hay mã vạch hai chiều QR của ông mới đi được vào thực tế, thậm chí còn mở ra nhiều cách ứng dụng khiến bản thân nhà phát minh cũng phải bất ngờ.

Từ năm 1974, mã vạch đã được sử dụng trong các siêu thị - đó là tập hợp nhiều vạch có độ đậm khác nhau trên bao bì rất nhiều loại sản phẩm mà với một máy quét thích hợp, mã vạch cho phép người ta có thể đọc trong giây lát giá cả và thông tin về sản phẩm.

Tuy nhiên, với một chuỗi chỉ gồm 20 chữ số và chữ cái khác nhau - mã vạch không thể xử lý được nhiều hơn - nếu cả thế giới áp dụng cùng một cách đánh dấu bằng mã vạch thì người ta nhanh chóng đứng trước giới hạn tận cùng của nó.

Giải pháp cho vấn đề này là chiều thứ hai. Nhờ mã QR (Quick-Response Code), mã đáp ứng nhanh bậc hai, hay quen thuộc hơn với tên mã ma trận, mã vạch hai chiều - có thể đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới - người ta có thể thể hiện tới 7.000 chữ số và chữ cái. Với công nghệ mới nhất, mã-iQR nén (compressed IQR Code) thậm chí có thể đạt tới 40.000 chữ số và chữ cái.

Mặc dù khi được phát minh vào năm 1994, mã QR chỉ nhằm giải quyết vấn đề theo dõi thông tin về sản phẩm tốt hơn nhưng ngày nay, mã QR được ứng dụng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau như quản lý các hiện vật trưng bày ở bảo tàng, biển quảng cáo, mã hoá văn bản, số điện thoại, email, địa chỉ website, xác thực điện tử ... Tại Seoul, Hàn Quốc, mới đây đã khai trương một chuỗi siêu thị kiểu mới chỉ có duy nhất một loạt bảng cỡ lớn giới thiệu hình ảnh các sản phẩm được trưng ở các ga tầu điện ngầm. Khách hàng dùng mã QR và Smartphone để mua hàng. Hàng đặt mua sau đó sẽ được chuyển đến tận tay khách.

NHỮNG PHÁT MINH ĐỘT PHÁ THƯỜNG LÀ MỘT CÔNG TRÌNH CỦA MỘT NHÓM NHƯNG MÃ QR LẠI HOÀN TOÀN DO MỘT CÁ NHÂN TẠO NÊN.

Sau khi ra trường, ở tuổi 22, chàng sinh viên Masahiro Hara, người phát minh ra QR-Code, làm việc tại tập đoàn sản xuất linh kiện xe hơi Denso của Nhật Bản. “Hãng giao cho tôi nhiệm vụ tìm thêm các giải pháp để đưa nhiều không tin hơn vào mã sản phẩm, nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn,” ông kể.

Hara không phải là người đầu tiên tìm cách cải tiến công nghệ mã sản phẩm. Trước đó đã có những thử nghiệm để mã vạch điện tử mở rộng. Kể từ những năm 1980 đã có mã hai chiều đầu tiên. Nhưng việc quét loại mã này mất quá nhiều thời gian nên không thể ứng dụng trong thực tế. Masahiro Hara nghĩ tới giải pháp xử lý vấn đề trong một lần đi dạo khi ông nhìn lên bãi đáp của máy bay trực thăng trên nóc một toà nhà cao tầng và nảy ra ý tưởng về hoa văn định vị ở ba góc của mã. Với sự hỗ trợ xác định vị trí này, máy quét tập trung vào mã nhanh hơn và tốt hơn đồng thời vẫn phân biệt được trên và dưới, trái và phải. “Với loại mã vạch nén, máy đọc cần khoảng 3 giây để giải mã nội dung,” Hara cho biết.

Nhưng thách thức lớn nhất đối với nhà sáng chế chính là khâu thiết kế một máy quét thích hợp bởi một lý do mà giờ đây nhìn lại người ta sẽ thấy khó tưởng tượng: trong những năm 90, máy tính còn rất nhạy cảm với nhiệt độ cao. “Nhất là vào lúc nóng bức trong mùa hè, nếu tôi làm việc cả tuần lễ liền, máy móc của tôi luôn giở chứng”, Hara kể. Cuối cùng vấn đề này đã được giải quyết bằng cách dùng những chi tiết máy của hãng và tự lắp thiết bị và tạo ra chương trình phần mềm thích hợp.

NHỮNG CÁCH ỨNG DỤNG KHIẾN CHA ĐẺ MÃ QR CŨNG PHẢI BẤT NGỜ

Phát minh về mã QR đã trở thành cơ sở cho sự ra đời của doanh nghiệp spinoff Denso Wave từ công ty mẹ Denso. Mặc dù mã QR được bảo vệ bởi bằng sáng chế nhưng việc ứng dụng và tạo mã đều được miễn phí. Thu hoạch của Denso Wave dựa vào việc phát triển và phân phối thiết bị đọc mã QR.

Hiện kỹ sư Hara là người quản lý bộ phận Auto-ID Engineering thuộc Denso Wave. Vị kỹ sư 56 tuổi này vẫn tiếp tục cải tiến công suất của mã và phát triển thuật toán để mã QR có thể đọc được nhanh hơn với Smartphone. “Ngoài ra chúng tôi quan tâm tới việc thiết kế mã. Chúng tôi muốn làm cho nó hấp dẫn, thú vị hơn và muốn cài đặt cả chức năng bảo mật IT.”
Giữa những năm 90, khi kỹ sư Hara phát triển mã thì điện thoại thông minh còn là điều vô cùng xa vời. Hồi đó ông cũng không thể ngờ rằng phát minh của mình lại trở thành cánh cửa dẫn đến Augmented Reality. Theo số liệu của doanh nghiệp nghiên cứu thị trường ComScore thì số người châu Âu dùng điện thoại thông minh đã từng quét mã QR ít nhất một lần trong thời gian từ 2011 đến 2012 đã tăng 96%.

Điều gì làm kỹ sư Hara ngạc nhiên trong việc ứng dụng mã hiện nay? “Giờ đây trên áo phông, mã đã trở thành hoa văn trang trí. Một số người thậm chí còn xăm hình mã. Đấy là điều mà tôi quả thật không bao giờ nghĩ tới. Ở Mỹ, trong một nghiên cứu về ong mật người ta đã dùng mã QR đánh dấu các con ong để theo dõi hành vi và sự vận động của chúng. Điều này tôi thấy thật thú vị.”

Mới đây nhất, với phát minh về mã QR, Hara đã được đề cử cho giải thưởng “Nhà sáng chế châu Âu” 2014 do Cơ quan Patent châu Âu trao hằng năm nhằm tuyên dương những nhà sáng chế xuất sắc nhất thế giới.

Nguồn: Tia Sáng

Nhiều người xem