Lẫn lộn giữa hàng xách tay với hàng nhái

Kiến thức Đăng ngày 15/01/2021 1000 lượt xem

Thông tin nguồn gốc sản phẩm mập mờ - đó là nhận xét của nhiều người khi tìm hiểu, lựa chọn, mua và sử dụng hàng xách tay trên mạng. Hầu hết các sản phẩm từ thuốc, thực phẩm chức năng, sữa đến các mặt hàng mỹ phẩm, đồng hồ... đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chỉ tiêu chất lượng, tem nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt...

Có nhu cầu mua một số loại vi chất dinh dưỡng cho con, chị N.T.H không vào hiệu thuốc mà đến cửa hàng kinh doanh sản phẩm dành riêng cho mẹ và bé. Cửa hàng này khá nổi tiếng bởi được các bà mẹ “bỉm sữa” truyền tai nhau vì các sản phẩm khá phong phú, có nhiều hàng “xách tay” chất lượng. Riêng một quầy vuông vắn sắp xếp ngay tại vị trí trung tâm của cửa hàng là các loại thuốc, thực phẩm chức năng, vi chất dinh dưỡng dành cho trẻ em. Đơn cử như: Vitamin PediaKid của Pháp, siro trị ho và cảm lạnh Kids 0-9 Cough & Cold Syrup, thuốc ho long đờm ACC Kindersaft, các loại men vi sinh Optibac... Điều đáng nói là trên bao bì của các sản phẩm này đều ghi bằng tiếng nước ngoài và không hề có nhãn phụ tiếng Việt hướng dẫn sử dụng hay đơn vị phân phối. Nhân viên ở đây giải thích, đó là hàng “xách tay” nên không có nhãn phụ. Khi hỏi về cách sử dụng một số loại vi chất dinh dưỡng, nhân viên hướng dẫn chuyên nghiệp giống như ở quầy thuốc tân dược...

Hàng xách tay _ thật giả lân lộn

Với sự phát triển rầm rộ của thương mại điện tử, việc mua bán hàng “xách tay” cũng diễn ra tràn lan trên các trang mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể tham gia bán hàng qua mạng. Chị C.T.H vốn là kế toán của một trường mầm non trên địa bàn thành phố, có nhiều thời gian rảnh rỗi. Để có thêm thu nhập, chị tham gia làm cộng tác viên bán hàng “xách tay” trên facebook cá nhân. Sản phẩm của chị rao bán chủ yếu là các loại đồng hồ của các hãng nổi tiếng nước ngoài. Từ những cái tên thương hiệu tầm trung như Justcavalli, Tissot... đến các hãng tầm cao như Rolex, Franck Muller, Hublot... Đấy là các thương hiệu đồng hồ có mức giá đắt đỏ. Thế nhưng, giá rao bán trên mạng rẻ hơn rất nhiều lần, thậm chí chỉ còn 1/3 giá. Khi được hỏi tại sao lại có giá rẻ thế, chị H. giải thích với các lý do như hàng “xách tay” không mất thuế, phí; hàng gom từ những đợt giảm giá của các thương hiệu... Nếu đặt mua đồng hồ thì chỉ từ 2-3 ngày là hàng đã đến tay người đặt. Tuy nhiên, chính bản thân chị H. cũng không chắc chắn về nguồn gốc những chiếc đồng hồ mà mình giao đến tay khách hàng.

Ở một trang facebook khác, chị C.T.V chuyên bán hàng mỹ phẩm “xách tay”. Lấy lý do có gia đình người em họ đang sinh sống ở Đức, chị V. thường đăng tải các clip em họ đi săn hàng giảm giá tại các cửa hàng, siêu thị ở Đức nhằm tăng tính chân thực và quảng bá mạnh mẽ cho các sản phẩm mình bán. Chính vì điều này, lượng khách đặt mua hàng qua mạng của chị V. ngày càng đông... Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách, chị V. phải lấy thêm một số mặt hàng từ nơi khác về bán lại nhưng vẫn quảng cáo, gắn mác “xách tay”. Thành thử, hàng của chị V. cũng theo kiểu thật, giả lẫn lộn.

Kinh doanh hàng “xách tay” đang là một xu hướng kinh doanh được nhiều người lựa chọn, chủ yếu ở các nhóm hàng: Quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách thời trang, thuốc và thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm... Một số cửa hàng bày bán công khai lẫn với hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu hoặc chỉ lấy ra bán khi khách hàng hỏi đến nhằm tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, kênh bán lẻ hàng “xách tay” phổ biến nhất là mạng xã hội. Những người bán qua mạng lấy hàng từ các đại lý và bán lẻ theo kênh riêng, không bị sự kiểm soát chặt chẽ của đơn vị nào. Chính điều này dẫn đến việc chất lượng xuất xứ hàng hóa như thế nào, có thật sự là hàng “xách tay” hay không thì cả người bán lẻ và người mua đều không thể chắc chắn. Bởi một điều mà nhiều khách hàng tò mò đó là hàng “xách tay” tại sao lại có thể có số lượng hàng hóa phong phú, đa dạng đến như thế? Giá cả cũng không thống nhất và ổn định, cùng một sản phẩm mỗi nơi bán một giá với mức chênh lệch đáng kể? Không loại trừ khả năng lợi dụng tâm lý “ham rẻ, sính hàng ngoại” của nhiều người, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái được trà trộn, phù phép gắn mác “xách tay” để đến tay người tiêu dùng.

Tháng 4-2019, tại một cơ sở kinh doanh mỹ phẩm ở phường Bến Thủy, TP Vinh (Nghệ An), Công an TP Vinh đã tiến hành kiểm tra, phát hiện cơ sở này đang trực tiếp san chiết, sản xuất các loại mỹ phẩm giả, nhái nhãn mác các hãng mỹ phẩm nổi tiếng của nước ngoài. Phương thức của cơ sở này là sử dụng các loại mỹ phẩm hết hạn sử dụng rồi san chiết sang các lọ mỹ phẩm với nhiều loại nhãn mác, thương hiệu khác nhau. Sau đó dập lại hạn sử dụng để cung ứng cho các cửa hàng mỹ phẩm trong và ngoài tỉnh. Tại hiện trường lực lượng chức năng thu giữ gần 10.000 lọ mỹ phẩm giả nhái nhãn mác các loại, 1 máy dập hạn sử dụng và một số dụng cụ san chiết, tẩy xóa ngày tháng trên các vỏ chai lọ, bao bì!

Một con số khác đáng để người tiêu dùng quan tâm, đó là lực lượng quản lý thị trường cả nước vừa tịch thu hơn 15.500 chiếc đồng hồ giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Đó là con số mà Tổng cục Quản lý thị trường công bố sau đợt kiểm tra từ cuối tháng 5-2019 đến hết tháng 9-2019.

Trào lưu tiêu dùng hàng “xách tay” và sự bùng nổ của việc kinh doanh hàng “xách tay” trên mạng, những bất cập xung quanh công tác quản lý đang tạo ra “kẽ hở” lớn cho những hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ “tung hoành” trên thị trường. Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch kiểm tra các mặt hàng kinh doanh trên thương mại điện tử từ tháng 10-2019 và kéo dài đến hết năm 2020 với các mặt hàng chú trọng kiểm tra, như: Trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép. Đối tượng nằm trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra là các thương nhân, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu, kinh doanh trên website, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng. Ngoài ra, đối tượng thanh, kiểm tra là các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có dấu hiệu lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ thì Thanh Hóa cũng là một trong những địa bàn trọng điểm nằm trong chiến dịch kiểm tra lần này. Hy vọng, thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ ngăn chặn hiệu quả tình trạng hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trong thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, quy định nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa, gồm: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa... Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Để mua được sản phẩm chính hãng, bạn cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm thông qua tem truy xuất nguồn gốc và tem xác thực sản phẩm chính hãng. 1Check cung cấp cho bạn những loại tem này, giúp bạn kiểm tra hàng chính hãng, có thông tin minh bạch đến người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng an tâm dùng sản phẩm mà không lo ngại hàng giả, hàng nhái.

 

1Check.vn - Sáng thương hiệu, vững niềm tin

1Check.vn - Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.

Đăng ký tài khoản sử dụng tại đây: https://www.1check.vn/register/

Nhiều người xem