Bán hàng nhái, hàng giả có phạm tội lừa đảo không?

Kiến thức Đăng ngày 06/09/2021 663 lượt xem

Bán hàng nhái, hàng giả có phạm tội lừa đảo không là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của quý bạn đọc trong thời gian gần đây. Quy định của pháp luật về hàng giả, hàng nhái như thế nào? Người tiêu dùng cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình khi mua phải hàng giả hàng nhái. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề trên.

Quy định pháp luật về hàng giả?

Căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, “hàng giả” bao gồm:

  • Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
  • Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa.
  • Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016.
  • Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng.
  • Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
  • Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi bán hàng giả, hàng nhái

Yếu tố cấu thành

Về mặt khách quan

Hành vi: Một người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản bằng cách đưa ra các thông tin không đúng sự thật làm cho người khác tin là thật và giao tài sản cho người đó. Theo đó, hành vi gian dối này phải dẫn đến hành vi chiếm đoạt tài sản chứ không phải chỉ nhằm mục đích sử dụng hoặc chiếm giữ tài sản, việc này có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng hành động,..

Ngoài ra, về giá trị tài sản chiếm đoạt phải từ hai triệu đồng trở lên.

Về mặt khách thể: Xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

Về mặt chủ quan: Một người thực hiện hành vi phạm tội có lỗi cố ý với ý định chiếm đoạt tài sản trước khi thực hiện hành vi lừa đảo.

Về mặt chủ thể: Phải có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo quy định pháp luật.

Mức phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Căn cứ theo quy định Điều 174 BLHS 2015, sửa đổi , bổ sung 2017, quy định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo đó, tùy vào giá trị chiếm đoạt tài sản mà một người khi thwucj hiện hành vi này có thể chịu hình phạt nhẹ nhất là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Mức hình phạt nặng nhất là phạt từ từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 02 đến 05 năm hoặc thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Hướng xử lý đối với hành vi bán hàng giả, hàng nhái

Cách 1: Thương lượng và hòa giải với người có hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái. Đây được xem là quyền của người tiêu dùng được quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng và cũng được xem là phương án giải quyết hiệu quả và nhanh gọn để đòi bồi thường.

Cách 2: Khiếu nại đến cơ quan chức năng, phản ánh đến cơ quan báo chí

Trường hợp thương lượng, hòa giải không thành, người tiêu dùng có thể đảm bảo quyền lợi của mình bằng cách khiếu nại, sử dụng phương tiện truyền thông, báo chí. Theo đó, người tiêu dùng có thể gửi khiếu nại tới một trong những cơ quan:

  • Chi cục quản lý thị trường của địa phương.
  • Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương
  • Thanh tra cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng.
  • Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ngoài ra, người tiêu dùng có thể gửi phản ánh tới các cơ quan Báo chí, truyền thông để có phương pháp xử lý, răn đe các đối tượng có hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái.

Cách 3: Khởi kiện tại Tòa án

Khi có căn cứ chứng minh do hàng giả, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng có quyền khởi kiện hoặc nhờ các tổ chức xã hội khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

------

Độc giả đang theo dõi bài viết tại 1Check.vn - hệ thống xác thực điện tử, phát hành tem chống hàng giả hàng đầu tại Việt Nam.

Nhiều người xem