Hàng giả tràn lan trên các trang thương mại điện tử

Chia sẻ Đăng ngày 15/01/2021 856 lượt xem

Nhiều hình thức gian lận kinh doanh đang xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), gây mất niềm tin với người dùng và ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT chân chính. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hàng giả xuất hiện nhiều trên các trang thương mại điện tử.

Chi phí rẻ, tiếp cận đến người tiêu dùng nhanh chóng.

Xu hướng công nghệ internet ngày nay đang phát triển mạnh. Mọi người đều có thể truy cập internet mọi nơi, mọi lúc. Việc phát triển một kênh bán hàng online chi phí thấp mà đem lại lợi nhuận cao đã thu hút rất nhiều các tiểu thương nhỏ lẻ tham gia. Để có một hình thức bán hàng trên các trang mạng, nhiều người chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn, hay thậm chí vài chục nghìn là có thể tạo lập được một kênh bán hàng riêng cho mình. Việc sử dụng chi phí rẻ như thế nên nhiều người đã lựa chọn hình thức bán hàng online để kinh doanh. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường mà không kiểm soát được.

Không chỉ có túi xách, mà nhiều hàng thời trang giả mạo, nhái các thương hiệu được rao bán tràn lan trên sàn thương mại điện tử. Mới đây, Bộ Công Thương bắt đầu triển khai chiến dịch thanh, kiểm tra ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc kinh doanh trên website. Chiến dịch này nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên các trang mua sắm và mạng xã hội.

Việc tiêu thụ hàng giả, hàng nhái tiện lợi, dễ dàng cho cả người mua và bán; có thể làm ở mọi lúc, mọi nơi mà không bị kiểm soát, chỉ cần tìm kiếm cụm từ "like au, 1:1 hay F1"…, sau vài giây, hàng loạt những status quảng cáo sẽ hiện ra.

Không chỉ túi xách, vô vàn các sản phẩm tiêu dùng, thời trang giả mạo hay nhái các thương hiệu cũng có ở khắp nơi. Facebook đã vô tình trở thành một trong những trang mạng xã hội sở hữu lượng cá nhân tham gia bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.

Người tiêu dùng và các cơ quan chức năng cho biết, cái khó trong việc mua bán trên mạng là không thể "sờ, nắm" để kiểm tra được ngay các sản phẩm. Chưa kể, hầu hết các giao dịch dạng này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể và việc xử lý nếu có vấn đề xảy ra sẽ càng trở nên khó khăn.

Tâm lý "làm màu, sống ảo" của giới trẻ là tác nhân giúp hàng nhái hàng giả gia tăng

Ngoài mặt tích cực của thương mại điện tử trong việc thương mại hóa, kênh bán hàng này hiện đang tồn tại nhiều lỗ hỏng giúp người bán hàng dễ dàng qua mặt được các cơ quan quản lí. Trong đó, đáng kể như việc đăng ký bán hàng dễ dàng; khó xác minh thông tin, địa chỉ, chất lượng hàng hóa được bày bán trên các kênh... Chính điều này dẫn đến tâm lý ham lợi, coi thường pháp luật của một bộ phận nhỏ người bán hàng. Trường hợp shop, cửa hàng bán offline, phải đăng ký thông tin tới cơ quan chức năng, quản lí thị trường. Lúc này, người bán hàng lo sợ bị thanh tra, kiểm tra nên bán hàng chính hãng, hoặc hàng có nguồn gốc rõ ràng. Còn bán hàng online việc kiểm tra rất khó. Do vậy, xu hướng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhiều hơn. Bên cạnh đó, phương pháp của người bán hàng Việt Nam vẫn có tư duy manh mún, chộp giật, làm giàu ăn xổi. Vấn đề này thuộc về tư duy hệ tư tưởng, mà thể hiện rõ nhất là các lớp dạy làm giàu vẫn khuyến khích bán hàng bất chấp.

Xét ở góc độ tiêu dùng, người Việt cũng thích dùng hàng hiệu nhái, đó là tâm lí tiêu dùng. Ví dụ như sinh viên thích xách túi LV đi học, hay công sở thì thích mặc áo Gucci đi làm, trong khi đó tài chính hạn hẹp, buộc phải mua hàng giả hàng nhái. Chính xu hướng thích sử dụng hàng hiệu này dẫn đến việc tiêu thụ hàng giả càng trở nên dễ dàng hơn.

Công nghệ phát triển, việc hàng hóa bị làm giả càng trở nên dễ dàng hơn. Một sản phẩm nổi tiếng vừa mới ra mắt trên thị trường thì ngay sau đó các sản phẩm hàng nhái đã xuất hiện rất nhiều. Việc người tiêu dùng vẫn bất chấp sử dụng hàng giả, hàng nhái dẫn đến việc tiêu thụ trở nên dễ dàng hơn.

Siết chặt quản lý từ Luật

Theo Bộ Công Thương, Nghị định 52/2013/NĐ-CP với những quy định mở nhằm tạo điều kiện và kích thích TMĐT phát triển đã không còn phù hợp trong bối cảnh mua - bán hàng online phát triển chóng mặt. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ Công thương  sửa đổi nghị định này theo hướng tạo hành lang pháp lý và căn cứ cụ thể để kiểm soát hàng giả, minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ…

Những sửa đổi mới của Nghị định 52 tập trung vào việc thu gọn đối tượng ứng dụng TMĐT phải thực hiện thủ tục hành chính, xác thực danh tính người bán nước ngoài, minh bạch thông tin, hàng hóa dịch vụ…Trong những sửa đổi này, việc sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được các sàn TMĐT và người tiêu dùng đặc biệt quan tâm.

Cụ thể, việc sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT tại Điều 30 Nghị định 52 sẽ theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, đồng thời các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng bổ sung quy định về thông tin vận chuyển và giao nhận tại điểm d khoản 1 Điều 33 Nghị định 52; theo đó, bổ sung quy định về việc phân định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch TMĐT tại Điều 36; đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định về quy chế hoạt động của sàn giao dịch TMĐT tại Điều 38 để đồng bộ với việc bổ sung tăng cường trách nhiệm của chủ sàn giao dịch TMĐT.

1Check.vn - Sáng thương hiệu, vững niềm tin

1Check.vn - Bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng.

Đăng ký tài khoản sử dụng tại đây: https://www.1check.vn/register/

Nhiều người xem